Một năm triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Bộ máy chưa đủ để ‘‘vận hành’’ thông suốt

Một năm triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Bộ máy chưa đủ để ‘‘vận hành’’ thông suốt

Báo cáo sơ kết 1 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) của Bộ Tư pháp cho thấy, số lượng việc yêu cầu bồi thường chưa phản ánh đúng thực tế, việc bảo đảm cơ sở vật chất, con người cho công tác này còn gặp nhiều khó khăn.
Hơn 300 vụ việc yêu cầu được bồi thường

Theo số liệu tổng hợp của 17 Bộ, ngành và 43 địa phương thì đến tháng 10 năm 2010 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiếp nhận 308 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, đã thụ lý giải quyết khoảng 220 vụ việc (Số liệu này chưa bao gồm các vụ việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà người bị thiệt hại khởi kiện theo thủ tục giải quyết vụ án hành chính hoặc thủ tục giải quyết vụ án dân sự của Toà án).

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường đã tổng hợp này chưa phản ánh đúng thực tế vì đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bên cạnh hoạt động giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động giải quyết vụ án hành chính cũng có chiều hướng phức tạp. Số liệu tổng hợp được tại Hội nghị tổng kết công tác pháp chế của ngành Tài chính cho thấy, trong năm 2010, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tham gia tố tụng tại Toà hành chính với tư cách là bị đơn trong gần 80 vụ án hành chính, trong đó, hầu hết các vụ việc đương sự đều có yêu cầu bồi thường nhà nước. Bộ Tư pháp cũng dự báo yêu cầu bồi thường nhà nước trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp.

Bộ máy còn nhiều bất cập

Mặc dù công tác quản lý BTNN từ TW đến địa phương đã có sự ”phân vai” bước đầu song theo Bộ Tư pháp vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt về bộ máy tổ chức và biên chế. Tình trạng này diễn ra ở cả Bộ Tư pháp (là cơ quan được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường...); tổ chức pháp chế Bộ ngành và địa phương

Theo Bộ Tư pháp, hiện ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, hầu hết các tổ chức pháp chế đều trong tình trạng quá tải trong việc thực hiện nhiệm vụ về xây dựng, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật... Do đó, gặp khó khăn trong việc bố trí cán bộ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường (hiện chủ yếu là kiêm nhiệm).

Ở cấp tỉnh, Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Phạm vi thực hiện nhiệm vụ này ở địa phương cũng rất rộng (thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường đối với các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã). Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế nên các địa phương đều gặp phải khó khăn, lúng túng trong việc bố trí cán bộ và xác định đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định Đề án xây dựng đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp, kiện toàn tổ chức Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Theo đó, trọng tâm là xây dựng đơn vị chuyên trách (tương đương Vụ, Cục) trực thuộc Bộ Tư pháp với mô hình phù hợp, có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao; củng cố tổ chức pháp chế thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, bổ sung biên chế để bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này.

Đối với Sở Tư pháp, giải pháp cần thiết là kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng giao công tác này cho một phòng hiện có của Sở thực hiện (bảo đảm thống nhất đầu mối trong phạm vi toàn quốc) và bổ sung biên chế để bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này.

Đăng ngày 28/09/2016