Cần thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

Cần thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

Hiến pháp hiện nay đã quy định vấn đề tranh tụng trong xét xử thành một nguyên tắc “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013) và nó chỉ hiện thực khi nguyên tắc này được thể chế hóa đầy đủ trong quy định của các đạo luật liên quan đến hoạt động xét xử: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính... Tố tụng hình sự là lĩnh vực quan trọng cần xem xét sửa đổi các trình tự, thủ tục nhằm thực hiện tranh tụng dân chủ, công khai, có hiệu quả. Việc tổng kết thực tiễn và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật hình sự để nguyên tắc tranh tụng phát huy tác dụng và thực sự đi vào cuộc sống xã hội là nhiệm vụ trước mắt và là yêu cầu cần thiết.

Chúng tôi thống nhất với quan điểm: Tranh tụng trong tố tụng hình sự thực chất “là quá trình tồn tại, vận động, đấu tranh giữa hai chức năng cơ bản của tố tụng hình sự: Chức năng buộc tội và chức năng bào chữa - hai chức năng ngược chiều, đối trọng nhau, diễn ra trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, mà đỉnh điểm là tại phiên toà xét xử”. Tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự là tư tưởng mang tính đột phá, được xác định là một trong những vấn đề quan trọng của cải cách tư pháp.   

Để chủ trương tranh tụng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng trở thành một nguyên tắc và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn thì vấn đề đặt ra là cần có thủ tục, trình tự tố tụng hình sự phù hợp, phải hiện thực nguyên tắc tranh tụng trong thực tiễn, trong từng chế định. Từ những vướng mắc qua hoạt động thực tiễn tại Nghệ An, chúng tôi thấy cần nghiên cứu kiến nghị hoàn thiện các chế định của BLTTHS về các vấn đề liên quan đến nội dung tranh tụng nhằm tạo căn cứ pháp lý cho các chủ thể tham gia tố tụng; thực hiện có hiệu quả Chiến lược Cải cách tư pháp theo định hướng: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”(1). Những hạn chế của quy định hiện hành trong BLTTHS là:

- Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định tranh tụng là một nguyên tắc. Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự tại Nghệ An trong thời gian qua cho thấy luật thực định chưa quy định rõ tranh tụng là một nguyên tắc, nội dung tranh tụng chưa được thể chế hóa đầy đủ trong các chế định của pháp luật hình sự cho dù những nội dung có tính nguyên tắc về tranh tụng đã được BLTTHS đề cập đến. Đây thực sự là một bất cập cần khắc phục để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp.

- Chưa quy định rõ ràng vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể tham gia tố tụng nhằm thể hiện đầy đủ nguyên tắc tranh tụng dân chủ. Để thực hiện nguyên tắc tranh tụng cần có quy định xác định quy trình thủ tục tham gia tố tụng của các chủ thể tham gia tố tụng: Các bên buộc tội (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, người bị hại, nguyên đơn dân sự...); bên gỡ tội (bị can, bị cáo, người bào chữa, bị đơn dân sự..) và vai trò trọng tài phán quyết của Tòa án.

- Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định đầy đủ trình tự, thủ tục thể hiện nguyên tắc tranh tụng dân chủ: Bộ luật Tố tụng hình sự xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó, quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ và các trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng, song không quy định trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản và xuất trình chứng cứ của bên gỡ tội, trình tự xem xét, so sánh, đối chứng, công nhận chứng cứ của người tham gia tố tụng một cách hợp lý. Điều này “thể hiện sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội và gỡ tội”(2) và các quy định thể hiện nội dung tranh tụng cũng chưa có sự đồng bộ, thống nhất.

- Chế định bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế: Người bào chữa chưa được quy định các điều kiện hợp lý để thực hiện chức năng bào chữa của mình. Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định một số quyền quan trọng làm cơ sở cho việc bào chữa như: Quyền thu thập chứng cứ; quyền phản đối chứng cứ buộc tội, mời người làm chứng, hỏi người làm chứng… Một số thủ tục tố tụng hiện hành chưa tạo điều kiện để người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án, thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm, cơ chế để người bào chữa thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền năng tố tụng đã được luật định.

- Các chế định về Viện kiểm sát trong quy định của BLTTHS hiện hành cũng chưa thể hiện đầy đủ nguyên tắc tranh tụng. Các chế định về Viện kiểm sát và những quy định liên quan đến hoạt động của người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng (nhất là trình tự thủ tục xét hỏi tại phiên tòa) chưa phù hợp, chưa thực sự tạo điều kiện để họ thể hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm; cụ thể như trong giai đoạn xét hỏi thì Viện kiểm sát là bên buộc tội, lẽ ra Kiểm sát viên phải là người khởi động cho việc chứng minh vụ án hình sự tại phiên tòa, vai trò của Kiểm sát viên phải có sự chủ động trong xét hỏi để bảo vệ cáo trạng, làm rõ sự thật khách quan, nhưng trên thực tế, theo pháp luật tố tụng hiện hành thì việc xét hỏi lại chủ yếu là Hội đồng xét xử và việc chứng minh tội phạm vì thế cũng chủ yếu do Hội đồng xét xử là bất cập...

Sửa đổi quy định của BLTTHS cho phù hợp với quy định của Hiến pháp là yêu cầu của thực tiễn và trên thực tế hiện nay Quốc Hội đang giao nhiệm vụ này cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, những nội dung không phù hợp cần sửa đổi hoặc những thiếu sót cần được bổ sung theo yêu cầu Cải cách tư pháp; việc sửa đổi phải dựa trên các nguyên tắc và phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn. Trong sửa đổi lần này, chúng tôi đề nghị cần quy định tranh tụng là một nguyên tắc (BLTTHS hiện tại quy định 30 nguyên tắc nhưng chưa có nguyên tắc tranh tụng) và tổ chức thực hiện có hiệu quả; thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ có ý nghĩa quan trọng với việc đẩy mạnh dân chủ, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và là một trong những giải pháp quan trọng, đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tự nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh công tác để đáp ứng những đòi hỏi của quá trình tố tụng hình sự, thực hiện có hiệu quả quy định của Hiến pháp mới trong lĩnh vực này./.

Đăng ngày 28/09/2016